THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Trọn bộ 49 tập: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Chia sẻ tâm đắc - Thầy Thái Lễ Húc
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện tốt nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ngài Đại Sư Ấn Quang hết sức tán thán. Đại Sư Ấn Quang một đời cung kính ấn tống Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa, Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Pháp sư Tịnh Không cũng đều khích lệ người đời "khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng".
Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho - Thích - Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cội rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.
ĐẠI SƯ ẤN QUANG KHUYÊN THỌ TRÌ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN TRỰC GIẢNG
(印光法师太上感應篇直講序)
Tính người vốn thiện, nhưng do đối cảnh gặp duyên, không gắng lòng kiểm soát, dần dần khởi niệm chấp trước, sinh tâm yêu ghét, khởi các loại tình kiến, bản tính bị mai một đều vì những thứ như thế cả. Thế nên, thánh nhân thời xưa rủ lòng thương ban lời dạy dỗ, kỳ vọng người đời theo đó mà làm, nhằm hồi phục cái tâm vốn thiện. Lời dạy tuy có nhiều, nhưng đều không ngoài việc “cách vật trí tri, minh minh đức, chỉ ư chí thiện”.
Thế nào gọi là “cách vật”? “Cách” nghĩa là đánh một trận kịch liệt, ví như một người đương đầu với vạn người vậy. “Vật” là chỉ những phiền não vọng tưởng, theo thế tục gọi là dục vọng của con người. Người muốn chiến đấu với phiền não vọng tưởng tất phải có ý chí cương quyết, không sợ hãi, thì mới mong có hiệu quả thực sự. Còn như để tâm xoay chuyển theo vật dục, thì sao có thể gọi là “cách vật” được? Cái gọi là “trí” có nghĩa là mở rộng [tâm lượng] ra đến cùng cực. Còn “tri” chính là cái lương tri biết yêu thương cha mẹ, kính trọng bậc trưởng bối mà con người vốn sẵn có, chứ không phải do dạy, không phải do học mà có. Thông thường con người trong một ngày không thường xuyên kiểm soát phản tỉnh bản thân, để tâm xoay chuyển theo vật dục, đến nỗi đánh mất đi cái lương tri biết yêu thương cha mẹ và kính trọng bậc trưởng bối. Há còn mong mở rộng cái lương tri ấy đến khắp thảy vạn sự vạn vật, hàm dưỡng tự tâm của chính mình ư! Con đường mà Thánh nhân muốn người đời đi để đạt được cái đức sáng, đạt đến chỗ chí thiện, công phu căn bản nhất là phải bắt đầu từ “cách vật trí tri” mà làm. Không có gì diệu dụng hơn công phu này. Nhưng nếu muốn người thường theo đây mà tu trì, thì buộc phải có quy phạm chuẩn mực, mới hòng đạt được lợi ích. Tứ Thư, Ngũ Kinh chính là quy phạm chuẩn mực. Thế nhưng lời dạy trong những sách ấy mênh mông, tản mác, không có điểm hội tụ, khó mà có thể lĩnh hội được pháp. Những người không đọc sách nhiều sẽ càng vì lý do này mà không làm theo Kinh điển.
Sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên hàm nhiếp đầy đủ những lý luận về việc đón kiết, tránh hung, phước thiện, cho đến những đạo lý về mối họa dâm, lời kinh vang vọng đến thượng thiên, chấn động đại địa, hễ đọc đến tâm liền xúc động. Cái gì gọi là thiện? Cái gì gọi là ác? Người làm việc thiện sẽ được thiện báo thế nào? Kẻ làm điều ác sẽ bị ác báo ra sao? Hiểu rõ được căn nguyên rồi, nhìn người sẽ vô cùng thấu suốt. Còn có kẻ ngu không chịu làm thiện, mặc tình làm điều xấu ác, lại dùng cái tâm tự tư tự lợi xem đó là điều hiển nhiên. Ngược lại, nay ta đã biết, những kẻ tự tư tự lợi sẽ bị tổn hại lợi ích rất lớn, rước lấy đại tai ương, há còn dám không khuyến khích nhau làm điều lương thiện để mong thoát họa, gặp phước hay sao? Vì lẽ đó, đây là cuốn sách rất ích lợi cho người đời. Các vị đại Nho thời xưa đa phần đều dựa vào cuốn sách này mà tu hành.
Vào thời nhà Thanh, ở đất Trường Châu, có ông Trạng nguyên Bành Ngưng Chỉ, từ nhỏ đã phụng hành theo sách này, cho đến khi ông làm quan đến chức Thượng Thư rồi mà mỗi ngày cũng đều thọ trì đọc tụng. Ông còn biên ra để tặng cho người khác, lấy tên là “Bộ sách mà Tể Tướng và Trạng Nguyên đều phải đọc”. Ông còn chú thích rằng: “Chẳng có nghĩa là đọc sách này có thể làm Trạng Nguyên, Tể Tướng, nhưng làm Trạng Nguyên, Tể Tướng nhất quyết không thể không đọc sách này”. Tùy theo cách nhìn của người nhân, kẻ trí, thuận theo căn tính của mỗi người mà phát huy giá trị của sách đến mức thấu triệt. Luận theo lẽ cùng cực của sách, thì sẽ được thành Tiên. Nhưng nếu như dùng tâm đại Bồ-đề mà hành trì thì cũng có thể siêu phàm nhập Thánh, liễu thoát sinh tử, đoạn Tam Hoặc, chứng Pháp Thân, phước huệ viên mãn cho đến thành Phật đạo, huống hồ là quả nhỏ thành thần tiên.
Sách này được chú giải rất nhiều, nhưng chỉ có bản Tiên Chú của Nguyên Hòa Huệ Đống đời Thanh được xem là vô cùng tinh thâm, không phải là bậc hiền sĩ học cao hiểu rộng thì không thể đọc được. Ngoài ra còn có cuốn Vựng Biên, quả thật đây là cuốn sách dành cho người nho nhã lẫn kẻ bình dân, nhưng đối với phụ nữ và trẻ em thì văn từ e khó có thể lĩnh hội. Duy có sách Trực Giảng này có thể đem lại lợi ích cho hết thảy. Lời văn của sách Trực Giảng này tuy đơn sơ, nhưng cách dùng từ ưu mỹ, đơn sơ nhưng không thô kệch, dễ cảm động lòng người. Cư sĩ Hương Đào đã xuất tiền in ấn, quảng bá, cùng với sự trợ giúp của một vài vị cùng chung chí hướng, nguyện cuốn sách này được phổ biến ra khắp cõi hoàn vũ. Nếu có được vài người tu Thập Thiện, trong nhà vẹn tròn câu hiếu đễ, biết việc họa phúc là do con người tự rước lấy, việc thiện ác đều có báo ứng cả, thì có ai chịu làm ác để rước lấy họa đâu? Nếu nếp sống xã hội đều theo một quy tắc là làm thiện để được thiện báo, thì lễ nhượng sẽ hưng khởi, nhân dân an lạc, thiên hạ thái bình, vĩnh viễn sẽ không còn nạn can qua (chiến tranh). Nguyện những người có tài lực và trí lực, hoặc in ấn số lượng nhiều để lưu thông, hoặc thuyết pháp diễn giảng, khiến cho những người vẫn chưa mất đi lương tri càng cố gắng giữ lấy cái tâm thuần chân; còn đối với kẻ đã mất đi lương tri rồi sẽ mau chóng khôi phục lại cái tâm sẵn có ấy. Công đức ấy kể sao cho xiết!
Năm Mậu Thìn 1928.